Việt Nam đang là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư ngoại. Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn.
Tỷ trọng lớn
Dù không còn giữ vị trí thứ 2 trong việc thu hút vốn FDI như suốt quý I năm 2023 nhưng tính chung sau 5 tháng, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn đứng thứ 3 tổng vốn FDI đăng ký, đạt gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư. Nhiều ý kiến đánh giá, nhà đầu tư ngoại tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng.
Theo thông tin được công bố từ Tập đoàn Khang Điền, Keppel cùng Keppel Vietnam Fund (KVF) – gọi chung là Keppel, đã ký các thỏa thuận ràng buộc để mua lại 49% từ Tập đoàn Khang Điền (KDH) tại 2 dự án khu dân cư liền kề ở TP Thủ Đức. Ước tính tổng số tiền nhà đầu tư đến từ Singapore này chi ra là hơn 3.100 tỷ đồng. Hai đối tác này sẽ cùng phát triển hơn 200 căn nhà liền thổ và trên 600 căn hộ cao tầng tại hai dự án, quy mô khoảng 11,8ha. Tổng chi phí phát triển hai dự án này khoảng 10.200 tỷ đồng.
Ông Joseph Low – Chủ tịch Keppel tại Việt Nam khẳng định, việc mua vốn tại 2 dự án của Khang Điền phù hợp với mô hình kinh doanh của Keppel, cho phép công ty khai thác quỹ đất của bên thứ 3 để tăng trưởng.
Trước Keppel, CapitaLand – một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực BĐS hàng đầu châu Á, cũng đã chọn hợp tác với Becamex IDC làm dự án phát triển thành phố mới Bình Dương. Tập đoàn này sẽ tiếp nhận và phát triển một quỹ đất từ Becamex IDC để xây dựng dự án nhà ở quy mô lớn nhất của đơn vị này tại Việt Nam. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng 18.330 tỷ đồng trên diện tích 18,9ha, xây dựng khoảng 3.700 căn hộ và nhà ở. Giai đoạn đầu sẽ thực hiện trong năm 2022 – 2024 và toàn dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2027.
CapitaLand cũng đang đàm phán một thương vụ khác trị giá 716 triệu USD để thâu tóm quỹ đất có vị trí đắc địa tại TP Thủ Đức, TPHCM. Dự án có quy mô 8ha, với khoảng 1.100 căn hộ và shophouse. Dự kiến, quá trình mua lại dự án này sẽ hoàn thành vào quý IV/2023, bắt đầu khởi công năm 2024 và đưa vào hoạt động từ năm 2027.
Cùng với đó, vốn ngoại cũng đã chọn phân khúc BĐS công nghiệp để dừng chân. Từ đầu năm đến nay, một số nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán tại các khu công nghiệp. BĐS công nghiệp đã nhận được sự quan tâm từ các nhà sản xuất lớn như Luxshare, Goertek.
Ông John Campbell – Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam phân tích, thị trường BĐS Việt Nam đang được hưởng lợi từ những ưu thế đến từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định và mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn.
“Trước thực tế các công ty đa quốc gia vẫn đang tìm cách đa dạng hoá khu vực hoạt động thị trường BĐS công nghiệp cũng đang phát huy điểm sáng trong việc tạo điều kiện thu hút đầu tư. Bên cạnh các nhà đầu tư đã dày dạn kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thị trường còn cần những hỗ trợ bài bản hơn nữa để thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ và châu Âu” – ông John Campbell nói.
Tiếp tục ổn định thị trường để mời gọi đầu tư
Chính phủ đang nỗ lực đưa ra những giải pháp nhằm ổn định thị trường BĐS. Và những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ là nền tảng để hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc về pháp lý, giấy tờ, thủ tục đang là rào cản, kéo giảm tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, trong đó phải kể đến hệ thống pháp luật về thị trường BĐS chưa đồng bộ, các quy định về condotel (căn hộ và khách sạn), officetel (văn phòng và khách sạn) đến nay chưa được giải quyết triệt để…
Để hút nguồn vốn FDI vào mảng BĐS Việt Nam, theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề để hút vốn vào BĐS như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường BĐS, đặc biệt là loại hình BĐS mới (thành phố thông minh, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel ..) phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường BĐS. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS…