Tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ gần 250 tỷ đồng thực hiện chương trình 135 tại địa phương và hơn 1.700 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2022-2025) nhằm nâng cao đời sống của người dân.
Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Mục Lục
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương cũng như sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự cố gắng vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong việc đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương đã tăng lên rõ rệt.
Từ đó, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại Lâm Đồng từng bước được đầu tư, sản xuất có bước phát triển vượt bậc, người dân được quan tâm về mọi mặt y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội. Tại tỉnh Lâm Đồng, nhiều người dân có thu nhập thấp, nghèo khó đã được hỗ trợ vốn vay ưu đãi và sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển tinh tế, thoát nghèo.
Huyện Đam Rông là huyện có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số khá cao (hơn 70%), chủ yếu là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Nhiều hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đam Rông cũng đã nhờ vốn vay ưu đãi của các hội, đoàn thể tại địa phương để phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Những ngày này, giá kén tằm đang ở mức gần 200 ngàn đồng/kg, điều này khiến những người làm nghề trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đam Rông cũng rất vui mừng. Chị Liêng Jrang K’Sớp (40 tuổi, ngụ thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông) không giấu nổi niềm vui cho biết, từ năm 2019, gia đình chị vay được 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Đây cũng chính là bước ngoặt để gia đình chị Liêng Jrang K’Sớp có thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
“Năm 2019, gia đình tôi được vay 40 triệu đồng, tôi đã quyết định phá 2.000m2 đất trồng cà phê già cỗi, không có năng suất để trồng dâu nuôi tằm. Với số vốn vay được, tôi đầu tư 17 triệu đồng để mua né, khay nuôi tằm và máy dập kén. Trung bình, mỗi năm với 2.000m2 đất trồng dâu, tôi có thể nuôi được khoảng 7 lứa tằm, mỗi lứa sau khi bán kén, trừ chi phí sẽ còn khoảng 6 triệu đồng. Trung bình, mỗi năm tôi còn dư được từ 40-50 triệu đồng. Với giá kén tằm khá cao như hiện tay thì tôi có thu nhập ổn định để nuôi con cái ăn học”, chị K’Sớp chia sẻ.
Trong khi đó, tại huyện Lạc Dương, chị Kơ Să K’Chin cũng phấn khởi cho biết, nhờ vốn vay gia đình chị đã có thu nhập 10 triệu đồng/tháng và có khả năng trả hết nợ trong năm 2023. Nhờ 1.500m2 đất trồng hoa hồng, chị Kơ Să K’Chin và chồng đã có thể mua thêm được bò, 4.000m2 đất và trông thêm được cả dâu tây.
Đang cắt hoa hồng trong vườn, chị Kơ Să K’Chin chia sẻ: “Ban đầu, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, tư vấn cho vay vốn, gia đình tôi sợ vay sẽ không có khả năng trả. Thế nhưng sau đó, nhờ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lạc Dương tư vấn thì chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để trồng hoa hồng. Giờ nó đã giúp chúng tôi thoát nghèo từ năm 2022, nuôi con ăn học và phát triển kinh tế gia đình”.
Hàng trăm tỷ đồng phát vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân của cả tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 với kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng.
Chương trình được thực hiện với nhiều dự án để sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, phát triển toàn diện giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 tại Lâm Đồng sẽ được thực hiện với kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Ảnh: Văn Long.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng còn nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Đặc biệt là xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao và tạo niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Ông Dơ Woang Ya Gương – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 tại tỉnh Lâm Đồng được thực hiện với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Song song với đó là tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu ố giảm trên 3%/năm.
Trong giai đoạn 2026-2020, chương trình 135 tại Lâm Đồng đã có tổng nguồn vốn ngân sách trung ương là hơn 248 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn lực bố trí từ các nguồn khác để đầu tư trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn là trên 380 tỷ đồng. Nhờ các nguồn vốn trên, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, đồng bào đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa các khu vực”.